Nhảy đến nội dung
x
hinh-ga

Thư họa gà của "ông đồ" Nguyễn Hiếu Tín

Tuy vẫn kế thừa và khai thác thư pháp cổ điển nhưng thông qua các tác phẩm thư họa, ThS. Nguyễn Hiếu Tín đã mạnh dạn mở ra một hướng đi mới, một phong cách mới, đó là họa tự Việt Nam.

tin-hoa

Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng Bộ môn Việt Nam học - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Tôn Đức Thắng. Anh từng được Thành đoàn TP.HCM bình chọn là Nhà giáo trẻ tiêu biểu suốt 3 năm liền. Bên cạnh đó, Hiếu Tín còn được biết đến là một nhà sưu tập tem "có hạng" với gần 20 giải thưởng trong và ngoài nước, đồng thời đã tổ chức được hai triển lãm tem cá nhân.

Nhưng có lẽ nhiều người biết đến Hiếu Tín trong vai trò một nhà thư pháp trẻ tài hoa với nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này hơn, trong đó có luận văn thạc sĩ về thư pháp chữ Việt mà anh đã bảo vệ xuất sắc tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2006, sau đó xuất bản thành sách với tựa đề Thư pháp là gì? (NXB Văn Nghệ, 2007). Hiện nay Hiếu Tín đang làm luận án tiến sĩ ngành Văn hóa học với đề tài về thư pháp chữ Việt.

Có niềm đam mê đặc biệt với thư pháp, mỗi năm Hiếu Tín đều cho ra đời một bộ họa tự về linh vật của năm đó, như: chữ Khỉ ra hình con khỉ tinh nghịch, chữ Tý ra hình chú chuột vui mắt, chữ Tuất là hình chú cún khôn ngoan, chữ Mão là hình con mèo xinh xắn, chữ Sửu ra hình con trâu hiền lành, chữ Mã thành hình chú ngựa dũng mãnh... Đón năm Đinh Dậu này, Hiếu Tín vừa hoàn thành bộ thư họa về hình tượng con gà rất sống động.

Theo Hiếu Tín, gà không chỉ là loài gia cầm rất gần gũi với đời sống con người, mà từ lâu nó đã trở thành hình tượng ý vị trong văn hóa, nghệ thuật. Ngay từ thời đại Hùng Vương, trong mối lương duyên kỳ lạ Sơn Tinh - Mỵ Nương đã lẫy lừng với sính lễ "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao", hay câu chuyện yêu tinh gà trắng từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, với tiếng gà gáy gọi mặt trời để các tiên xuống trần gian gánh đất phải bỏ cuộc vẫn còn vang vọng đến ngày nay.

Hơn nữa, gà còn tượng trưng cho 5 đức tính cao quý của bậc quân tử, đó là: văn, võ, nhân, tín và dũng.

tin-hoa-ga

Bộ thư họa gà của Nguyễn Hiếu Tín

Bằng những động tác nhẹ nhàng, bút lực mạnh mẽ, những đường nét điêu luyện và sắc sảo từ đầu ngọn bút lông mềm mại, uyển chuyển, có sự phối hợp cương và nhu, lúc thanh thoát, lúc trầm bổng tự nhiên, những tác phẩm thư họa về gà của Hiếu Tín vừa sống động, vừa tinh tế, vừa khoáng đạt mà lại đầy cá tính.

Như tác phẩm Gà - Chào xuân với hình ảnh chú gà khỏe khoắn đang ngẩng cao đầu cùng dòng chữ "nghênh xuân tiếp phúc"; Gà - Vạn sự cát tường là chú gà đứng hiên ngang trên tảng đá, chuẩn bị cất tiếng gáy mang thông điệp may mắn, thành công; Gà - Phúc đức có hình chú gà oai dũng, vững chãi như sức trẻ vươn lên trong kỷ nguyên mới và tràn đầy tự tin nhìn vần thơ đầy ý nghĩa: "Phúc ấm ngàn đời cây trổ lộc, đức dày muôn thuở nhành đơm hoa", báo hiệu một năm mới với những thành công mới, hứa hẹn sự sung túc và hạnh phúc; Gà - Kê minh đại cát với hình ảnh hai chú gà sống động và thanh thoát dưới cành đào ngày Tết.

Qua các tác phẩm thư họa kể trên, có thể thấy, tuy vẫn kế thừa và khai thác thư pháp cổ điển, song Hiếu Tín đã mạnh dạn mở ra một hướng đi mới, một phong cách mới, đó là họa tự Việt Nam. Nét bút tài hoa của Hiếu Tín đã thổi được luồng sinh khí mới vào không gian văn hóa, nghệ thuật cổ điển.

Trong năm Đinh Dậu 2017, Nguyễn Hiếu Tín dự định xuất bản một số sách, ấn phẩm về thư pháp chữ Việt.

Nguồn: KHÔI NGUYÊN - Báo Doanh nhân Sài Gòn online