Nhảy đến nội dung
x
sinh-vien

Văn hóa xếp hàng

Văn hóa xếp hàng là gì? Đơn giản nó chỉ là cách giữ trật tự theo hàng, lối có người trước, sau một cách tuần tự… nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng người Việt Nam chúng ta lại chưa thể thực hiện nó như một thói quen thông thường.

Chuyện xếp hàng chờ đến lượt tưởng như là điều rất bình thường, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại. Thế nhưng tại nhiều nơi, bên cạnh những người có ý thức xếp hàng thì vẫn xuất hiện cảnh chen lấn, xô đẩy nhau khiến nhiều người bức xúc.

Theo nguyên tắc thì người đến trước xếp hàng trước, người đến sau nối theo sau. Thế nhưng có những người chỉ vì muốn nhanh chóng, được việc cho mình mà nhắm mắt chen ngang khiến cho hàng ngũ lộn xộn. Rồi ai cũng sợ mình thiệt nên cứ chen mãi lên đầu, không thèm để ý đến những người xếp hàng trật tự trước đó. Vậy là chẳng ai nói được ai, mạnh ai người nấy chen, cốt sao mình nhanh đến lượt. Đó chính là cách hành xử kém văn hóa nơi công cộng.

Vì sao việc xếp hàng ở Việt Nam khó trở thành thói quen? Bản chất việc xếp hàng không khó, một đứa trẻ có thể làm được nhưng mấu chốt là không ai tạo ra thói quen làm việc đó nên dần dần chúng ta “quên”!? Mỗi người lớn chúng ta là tấm gương không chỉ của em, của con, cháu… trong gia đình mình mà còn là tấm gương trước xã hội. Người Việt Nam ta thường có tâm lý, người ta làm vậy, mình cũng làm theo được…

Vậy mỗi anh, chị hãy “XẾP HÀNG” một cách có văn hóa, hãy là tấm gương cho những người xung quanh mình ở những nơi công cộng, nơi làm việc…

 

xep-hang

Đi thang máy:

Buổi sáng khi đi làm, mọi người luôn tất bật để vào công ty làm việc đúng giờ, phải chăng ai cũng xếp hàng theo thứ tự để để “được nghe tiếng tít” của máy chấm công và di chuyển qua 2 chiếc thang máy?. Hiện tại, sức chứa của hai thang máy tối đa khoảng 25 người bởi lẽ còn phụ thuộc vào diện tích của thang máy thay vì chỉ riêng có trọng lượng. Làm một bài toán đơn giản, nếu so sánh số lượng người làm việc tại văn phòng khoảng 500 người so với sức lứa 25 người của 2 thang máy, chúng ta phải mất 20 lượt mới chở hết số lượng người trên, nếu chưa kể là mất khá nhiều thời gian.

 Giờ cơm trưa:

Giờ ăn trưa chính là lúc chúng ta phải bổ sung năng lượng cho cơ thể, có như vậy mới đủ sức hoàn thành trọn vẹn hết công việc trong một ngày. Cái cảm giác của thời tiết oi bức và cái bụng kêu âm ỉ sẽ dễ làm “cái tính bực bội” dễ nảy sinh huống chi là phải xếp hàng lần lượt chờ đợi cái thang máy di chuyển. Riêng đối với trường hợp ăn cơm ngoài tiệm, chúng ta đôi lần cũng ngán ngẩm cảnh tượng bấm chuông thang máy chờ đợi vài phút, rồi có khi chiếc thang máy lại “hững hờ” bỏ qua tầng của mình vì số lượng người đã quá tải. Mặc dù vậy, chúng ta đã tìm ra được những cách thức để tiết kiệm thời gian chờ đợi và cũng thể hiện ý thức về văn hóa xếp hàng là đi thang bộ, nhưng được bao nhiêu người nhận thức việc làm này ?.

xe-buyt

Bài học từ câu chuyện:

Ngày nay, rất ít đơn vị, cơ quan nào làm tốt vấn đề “văn hóa xếp hàng”. Một câu hỏi đặt ra là: “Phải chăng khái niệm xếp hàng của cha ông thời bao cấp đã đi vào lỗi thời mà thay vào đó là khái niệm tân thời xô đẩy, chen chân lẫn nhau khi xếp hàng?”. 

Phải chăng vì cuộc sống hiện đại hối hả, mọi người đều chạy đua lẫn nhau, nên dần hình thành trong thói quen “vượt lên chính mình” mọi nơi mọi lúc và chợt không kịp nhận ra văn hóa xếp hàng là gì, thậm chí thấy đó là điều xa lạ? Xét cho cùng, cội nguồn đó là sự thiếu ý thức của cá nhân, tâm lý muốn hơn người khác của đa số mọi người trong cuộc sống hiện nay.

Từ vấn đề đi thang máy, ăn cơm trưa hay những đánh giá về “văn hóa xếp hàng”  cho chúng ta nhìn nhận vấn đề cốt lõi: văn hóa xếp hàng chính là văn hóa của chúng ta và văn hóa của đơn vị.

Nguồn: HOA SEN GROUP