Tọa đàm: Những thực tiễn về mặt phương pháp luận trong quá trình thực hiện một nghiên cứu trên thực địa
Vào lúc 15g00 chiều ngày 28/8/2018 tại phòng họp B Đại học Tôn Đức Thắng, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn đã mời Tiến sĩ Peter Phipps (RMIT University, Melbourne, Australia) đến nói chuyện trong buổi tọa đàm giới thiệu những thực tiễn về phương pháp luận trong quá trình thực hiện một nghiên cứu trên thực địa với sự tham dự của hơn 40 giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn.
Tiến sĩ Peter Phipps là giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Toàn cầu, Đô thị và Xã hội của RMIT. Ông cũng là Giám đốc chương trình danh dự, là thành viên sáng lập và đồng thời là giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu. Tiến sĩ Peter đã hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học về nhân học văn hóa tại Đại học California Berkeley, đồng thời có bằng tiến sĩ về chính trị văn hóa của lý thuyết hậu thời gian tại Trường Nhân chủng học, Triết học và Xã hội tại Đại học Melbourne. Tiến sĩ Peter đã xuất bản một số chương sách, báo cáo ngành, khuyến nghị chính sách và các bài viết về các lễ hội bản địa, du lịch và chính trị về toàn cầu hóa văn hóa. Ông cũng từng tham gia tư vấn cho một số tổ chức và cơ quan chính phủ bao gồm Phòng Phát triển Cộng đồng PNG, ATSIC, ATSIAB (Hội đồng Úc), UNDP (Sarajevo) và Quỹ Yothu Yindi. Gần đây nhất ông đã viết về các khu văn hóa dân tộc cho Thành phố Melbourne và Ủy ban Đa văn hóa Victoria và thực hiện một dự án tại Trung tâm Nghệ thuật Warlayirti ở sa mạc Tây Úc.
Buổi tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu của ông về cấu trúc dân số tại Úc với nhiều kết quả rất thú vị về tỉ lệ người bản địa và người nhập cư, tuổi thọ của đàn ông bản địa, v.v. qua 3 giai đoạn: Post-colonialism, Postcolonialism và Decolonial.
Theo Tiến sĩ Peter, về mặt phương pháp luận, điều rất quan trọng đóng góp vào chất lượng của một kết quả nghiên cứu là xây dựng được mối quan hệ trên cơ sở niềm tin và sự tôn trọng giữa người dân bản địa (khách thể) và nhà nghiên cứu. Đồng thời, nhà khoa học phải tuân thủ những qui tắc đặc đức trong nghiên cứu.
Những kết quả từ nghiên cứu của Tiến sĩ Peter đã giúp nâng cao thêm các góc nhìn trong nghiên cứu xã hội của giảng viên và sinh viên trong khoa. Chính vì vậy, phần thảo luận, trao đổi học thuật sau phần trình bày của Tiến sĩ Peter diễn ra rất sôi nổi giữa diễn giả và những người tham dự. Đặc biệt, buổi thuyết trình đã thu hút được sự trao đổi sôi nổi giữa Dr. Peter với sinh viên ngành Xã hội học về những trải nghiệm khi thực hiện một cuộc khảo sát xã hội trên thực địa.
- Log in to post comments