Nhảy đến nội dung
x

Tọa đàm về Giải pháp thúc đẩy tính chủ động học tập các môn Lý luận chính trị tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Ngày 24/12/2024, tại Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: Giải pháp thúc đẩy tính chủ động học tập các môn Lý luận chính trị tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng” .

Dưới sự chủ trì của TS. Phạm Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn Lý luận chính trị, buổi toạ đàm đã thu hút đông đảo sự tham gia của gần 30 giảng viên bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng đang tham gia giảng dạy trực tiếp tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Buổi tọa đàm hướng đến mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý kiến và đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tính chủ động trong việc học tập các môn học Lý luận chính trị.

Nội dung chính của buổi tọa đàm:Thảo luận về việc áp dụng các phương pháp học tập tích cực như thảo luận nhóm, học qua video bài giảng, khai thác vai trò công nghệ như hệ thống E-learning và một số phần mềm khác nhằm kích thích, tạo hứng thú trong học tập đối với sinh viên. Các ý kiến tại buổi toạ đàm nhấn mạnh vai trò của giảng viên trong việc hướng dẫn, khuyến khích sinh viên tự tìm tòi kiến thức với nhiều hình thức khác nhau như cộng điểm cho những câu hỏi vận dụng, câu hỏi khó... đồng thời tạo môi trường học tập cởi mở, thân thiện, khuyến khích sự tham gia tích cực chủ động của sinh viên thông qua các tình huống thực tiễn để khái quát nội dung bài học. Bên cạnh đó, ngay từ buổi học đầu tiên, giảng viên cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu học tập, thư viện điện tử, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức và chủ động phát triển khả năng tự học đối với các môn Lý luận chính trị. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn thúc đẩy tinh thần chủ động, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập.

Kết thúc buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp quan trọng đã được ghi nhận, mở ra những hướng đi mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Lý luận chính trị. Các giải pháp thiết thực được đề xuất sẽ được triển khai trong học kỳ tới, nhằm thúc đẩy tinh thần chủ động học tập của sinh viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đẩy mạnh chuyển đổi số trong bối cảnh hiện đại. Buổi tọa đàm đã tái khẳng định vai trò then chốt của các môn Lý luận chính trị trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện, góp phần đào tạo thế hệ trí thức trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ tài năng và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.