Nhảy đến nội dung
x

Trường Đại học Tôn Đức Thắng hướng đến mô hình dịch vụ Công tác xã hội - Tâm lý hỗ trợ hiệu quả, toàn diện cho sinh viên

Sáng ngày 18/4/2025 tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Xây dựng mô hình dịch vụ Công tác xã hội - Tâm lý cho sinh viên trong môi trường đại học”. Sự kiện này do Phòng Đại học phối hợp cùng Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức, nhằm mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ người học tại TDTU, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công tác xã hội và tâm lý.

Toạ đàm được tổ chức trong không khí thân mật, cởi mở nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm túc và chuyên nghiệp. Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều góc nhìn đa chiều về thực trạng hỗ trợ sinh viên hiện nay, đặc biệt là những thách thức mà sinh viên đang đối mặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động. Nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như nhu cầu hỗ trợ tâm lý, tài chính, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; vai trò của các trung tâm dịch vụ xã hội trong việc kết nối nguồn lực cộng đồng; cũng như các mô hình hỗ trợ đã và đang được triển khai hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng ghi nhận nhiều đề xuất thiết thực từ các chuyên gia và đại diện các đơn vị tham gia, như việc tăng cường mạng lưới phối hợp liên ngành hay phát triển các chương trình cố vấn đồng đẳng (peer mentoring). Những chia sẻ này không chỉ giúp làm sáng tỏ những điểm mạnh và hạn chế của các mô hình hiện có, mà còn mở ra nhiều hướng đi mới cho việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên toàn diện, nhân văn và bền vững hơn trong tương lai. Đồng thời, buổi tọa đàm cũng nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đại diện các đơn vị tham gia về Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Thông tư Công tác tư vấn học đường và CTXH trong trường học theo công văn số 1400/BGDĐT-HSSV ngày 31/3/2025.

Chương trình là bước đi quan trọng thể hiện cam kết của TDTU trong việc đồng hành và chăm lo sức khỏe tinh thần cho sinh viên – yếu tố thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng học tập và phát triển toàn diện. Những nội dung được chia sẻ tại buổi tọa đàm không chỉ giúp các bên hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế của sinh viên, mà còn là cơ sở để xây dựng các mô hình hỗ trợ thiết thực, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Qua đó, TDTU tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc tạo dựng môi trường học đường nhân văn, hiện đại và bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chí đánh giá theo chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế như AUN-QA và FIBAA – nơi mỗi sinh viên đều được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ để phát triển tối đa tiềm năng của mình.