Nhảy đến nội dung
x

Ngành Xã hội học

1. Thông tin chung:

Xã hội học là ngành khoa học về tổ chức xã hội và hành vi con người. Xã hội học đào tạo chúng ta khả năng nhìn xa hơn những quan điểm bình thường, mặc nhiên về thực tế, để cung cấp những hiểu biết sâu sắc, sáng tỏ và đầy thách thức hơn về đời sống xã hội. Với nhãn quan xã hội học, “cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng, không chỉ bởi đặc điểm cá nhân mà còn bởi vị trí của chúng ta trong thế giới xã hội”, kiến thức xã hội học sẽ trang bị cho chúng ta “khả năng nhìn xa hơn những yếu tố cá nhân như là nguyên nhân dẫn đến sự thành công và thất bại của họ và xem môi trường xã hội của cá nhân ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ” (C. Wright Mills: The sociological Imagination, NewYork: Oxford, 1959). Do vậy, kiến thức xã hội học mở rộng nhận thức và khả năng phân tích của chúng ta về các mối quan hệ xã hội của con người, các nền văn hóa và các thể chế đã định hình sâu sắc cuộc sống của chúng ta thế nào; giúp hiểu cách hành động và ý thức của con người hình thành và được định hình bởi các cấu trúc văn hóa và xã hội xung quanh ở cấp độ cá nhân, xã hội và toàn cầu.

Xã hội học là ngành khoa học thực nghiệm những vấn đề quan trọng trong cuộc sống cá nhân, cộng đồng và thế giới của chúng ta. Các phương pháp nghiên cứu và quan điểm lý thuyết xã hội học mang lại những hiểu biết sâu sắc về các quá trình xã hội định hình cuộc sống con người và các vấn đề xã hội cũng như triển vọng trong thế giới đương đại. Bằng cách hiểu rõ hơn các quá trình xã hội đó, chúng ta có khả năng phát triển cách nhìn và hiểu mối liên hệ giữa các lực lượng xã hội rộng lớn và trải nghiệm cá nhân - điều mà nhà xã hội học C. Wright Mills gọi là “Viễn tượng xã hội học” - là sự chuẩn bị tri thức vô cùng quý giá, hữu ích cho cuộc sống cá nhân và phát triển sự nghiệp hiệu quả trong một xã hội phức tạp và luôn thay đổi.

Các nhà xã hội học nhấn mạnh việc quan sát, thu thập và phân tích khách quan các bằng chứng về đời sống xã hội để phát triển và làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về các quá trình xã hội. Sinh viên Xã hội học được đào tạo để biết cách tư duy phản biện về đời sống xã hội, biết cách đặt những câu hỏi nghiên cứu quan trọng. Họ biết cách thiết kế các dự án nghiên cứu xã hội, thu thập và phân tích dữ liệu thực nghiệm một cách cẩn thận, đồng thời xây dựng và trình bày kết quả nghiên cứu của mình. Thông qua các bài tập tương tác, thuyết trình, viết tiểu luận, tham gia nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học,… sinh viên được truyền thụ những kiến thức và kỹ năng để biết cách giải quyết sáng tạo những vấn đề xã hội mới và đầy thử thách; phát triển kỹ năng tư duy phân tích, phản biện, biết cách truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả cả bằng lời và bằng văn bản. Đây là tất cả những khả năng có giá trị trong nhiều công việc và nghề nghiệp khác nhau.

Để trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và việc làm trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá, chương trình đào tạo xã hội học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được điều chỉnh theo hướng liên ngành xã hội học/nhân học và truyền thông đại chúng. Kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực: (1) Quản lý xã hội : tập trung vào việc ứng dụng các quan điểm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu xã hội học khảo sát các vấn đề xã hội theo nhu cầu của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội,... Kỹ năng điều tra, khảo sát là một trong 8 nghề được tự do luân chuyển trên thị trường lao động của Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN; (2) Truyền thông đại chúng: bằng cách đặt phương tiện truyền thông vào trong “cấu trúc xã hội”, các quan điểm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu xã hội học được ứng dụng vào phân tích tác động, ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đến các tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa, các nhóm xã hội và cá nhân, cũng như các cơ chế ảnh hưởng của chúng; Nghiên cứu sự gắn kết xã hội giữa truyền thông (các nền tảng, công nghệ, thể chế, nội dung) với khán giả/người dùng để hiểu được sự tương tác giữa cấu trúc xã hội và cá nhân, hiểu được phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến cách mọi người tìm kiếm cơ hội thể hiện trước công chúng, xác định bản thân và bản sắc tập thể cũng như sử dụng phương tiện truyền thông cho tương tác hàng ngày như thế nào.

Hội đồng xét công nhận chất lượng của tổ chức FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation) đã chính thức công nhận và cấp con dấu chất lượng (Quality Seal) cho Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Xã hội học vào tháng 11/2021, có thời hạn là 5 năm (2021-2026) và Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Xã hội học vào tháng 9/2023, có thời hạn 5 năm (2023-2028).

2. Chương trình đào tạo:

- Chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên sự tham khảo CTĐT KHXH (ngành xã hội học/nhân học) của các Trường Đại học uy tín trên thế giới, theo hướng liên ngành xã hội học, nhân học, truyền thông đại chúng;

- Tính quốc tế cao: đề cương và giáo trình, tài liệu đọc,... tham khảo từ các trường đại học uy tín và được điều chỉnh hàng năm, bổ sung những tài liệu mới, bằng tiếng Anh;

- Ngôn ngữ giảng dạy: kết hợp tiếng Việt và tiếng Anh do giảng viên người nước ngoài giảng dạy. Đây là cơ hội để sinh viên được tiếp cận kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cộng đồng kinh tế ASEAN và toàn cầu hoá;

- Kết hợp giữa nhà trường và nhu cầu xã hội: doanh nghiệp cộng tác với bộ môn trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, thực tế nghề nghiệp, tập sự nghề nghiệp chiếm khoảng 30% chương trình đào tạo;

- Cơ sở vật chất hiện đại, khang trang; sinh viên được tiếp cận nguồn tài liệu tiên tiến hội nhập với thế giới thông qua Thư viện truyền cảm hứng.

Đội ngũ giảng viên:

Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng người Việt Nam, Bộ môn Xã hội học có 01 giảng viên cơ hữu và mạng lưới chuyên gia người nước ngoài giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh và tổ chức các buổi seminar. Đây là cơ hội để sinh viên được tiếp cận kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy mới và rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cộng đồng kinh tế ASEAN và toàn cầu hoá.

Chuẩn đầu ra:

Tốt nghiệp ngành Xã hội học, sinh viên đạt được các kiến thức và kỹ năng như sau:

- Kỹ năng tin học (chứng chỉ tin học MOS quốc tế);

- Kỹ năng ngoại ngữ: chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo quy định;

- Kỹ năng mềm (kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, làm việc nhóm, năng lực công nghệ số…);

- Kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp:

+N ghiên cứu và phân tích dữ liệu: Xã hội học bao gồm các phương pháp nghiên cứu xã hội (định tính và định lượng). Phương pháp nghiên cứu xã hội giúp cho sinh viên biết làm dữ liệu thống kê và biết “đọc” dữ liệu thống kê; Có khả năng đọc tài liệu để tổng hợp, phát hiện những vấn đề xã hội cần nghiên cứu; Có khả năng tổ chức các cuộc khảo sát thực địa, thu thập thông tin bằng bảng hỏi, kỹ thuật phỏng vấn, quan sát; Tư duy độc lập, tổng hợp, mô tả, phân tích vấn đề,… để viết báo cáo khoa học; Một sự mô tả, phân tích sâu hơn về vấn đề nhận thức, thái độ, hành vi trong các quan hệ xã hội nơi làm việc và thế giới xã hội nói chung. Đây là kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề khảo sát để sinh viên tham gia vào thị trường việc làm;

+ Giao tiếp hiệu quả: Trong quá trình học xã hội học chuyên ngành, sinh viên được học và thực hành rất nhiều kỹ năng đọc, viết, và thảo luận để biết cách truyền đạt ý tưởng có hiệu quả bằng văn bản, thuyết trình, giao tiếp nơi làm việc và trong đời sống thường ngày;

+ Tư duy phê phán:Điều tra xã hội học liên quan đến việc học tập để nhìn xa hơn vẻ ngoài của các vấn đề, hiện tượng xã hội, để khám phá trật tự và cấu trúc xã hội, trả lời câu hỏi “tại sao” trật tự và cấu trúc xã hội lại như vậy và nó vận hành “như thế nào”. Chuyên ngành Xã hội học giúp sinh viên phát triển kỹ năng phân tích phê phán, học cách phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, xác định cơ hội;

+ Nhìn các hiện tượng/ vấn đề xã hội từ quan điểm toàn cầu: Các nhà xã hội học tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, các nhóm và các xã hội khác nhau từ góc độ biến thể và phổ quát và qua chiều dài lịch sử;

+ Chuẩn bị cho những cấp bậc cao hơn sau đại học: Cử nhân Xã hội học cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho các nghiên cứu sau đại học trong một loạt các lĩnh vực bao gồm cả pháp luật, kinh doanh, công tác xã hội, y tế công cộng, hành chính công và xã hội học.

Cơ hội nghề nghiệp khi ra trường:

Xã hội học định hướng quản lý xã hội:

- Điều tra, khảo sát: làm việc cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trung tâm (viện) nghiên cứu…;

- Hành chính công: làm việc trong khu vực nhà nước (các cấp), đoàn thể chính trị - xã hội…;

- Các tổ chức xã hội (chính phủ và phi chính phủ): hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật trong các cuộc khảo sát điều tra, viết đề xuất các dự án phát triển, hoạch định chính sách xã hội…;

- Nghiên cứu: làm việc cho các tổ chức nghiên cứu, dự án nghiên cứu, trung tâm (viện) nghiên cứu của chính phủ hoặc phi chính phủ…;

- Giảng dạy: dạy học ở các trường cao đẳng, đại học…

Xã hội học định hướng truyền thông đại chúng:

- Truyền thông đại chúng: làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản…;

- Nghiên cứu dư luận xã hội: nghiên cứu, khảo sát thực địa, điều phối viên các dự án truyền thông…;

- Truyền thông doanh nghiệp và quan hệ công chúng: làm việc trong các bộ phận tiếp thị, quảng cáo, tư vấn khách hàng, quan hệ công chúng, quản lý hệ thống thông tin nội bộ, tổ chức sự kiện truyền thông doanh nghiệp…;

- Lĩnh vực truyền thông tương tác: làm việc trong các cơ quan truyền thông doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ liên quan đến phát triển truyền thông, các công ty thiết kế và truyền thông, các viện nghiên cứu chuyên về nội dung truyền thông tương tác, các công ty quan hệ công chúng;

- Lĩnh vực quản lý truyền thông: làm việc trong các cơ quan chính phủ, công ty quan hệ công chúng và các tổ chức phi lợi nhuận về phương tiện truyền thông truyền thống cũng như trong các phương tiện truyền thông mới;

- Giảng dạy: dạy học ở các trường cao đẳng, đại học…

3. Hợp tác quốc tế và trong nước

- Đối tác trong nước:

+ Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ (SISS), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;

+ Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế (CIIS);

+ Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (CSSF);

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Liên đoàn Lao động Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh;

+ UBND Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh;

+ UBND Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đối tác quốc tế:International Initiative, Atlanta Global Studies Center. George State University (GSU), USA.

4 . Thành tích nổi bật của sinh viên

- 01 Giải nhất UREKA 2016 cấp thành phố năm 2016;

- 01 Giải khuyến khích cấp thành phố năm 2014;

- 01 Giải ba cấp bộ năm 2011;

- 01 Giải khuyến khích cấp bộ năm 2011;

- 01 Giải nhì cấp bộ năm 2010;

Và nhiều giải nhất, nhì, ba cấp trường qua các năm.

5. Thông tin liên hệ

- Địa chỉ: Phòng B009, Tòa nhà B, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 19 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Phong, Quận 7, TP.Hồ Chí Minh

- Điện thoại: (028) 37755063 Fax: (028) 37755055

- Website: http://ssh.tdtu.edu.vn